Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012


Giữa Sài Gòn náo nhiệt vẫn còn đó những thú chơi tao nhã mang hướng hoài niệm, điển hình là thú sưu tập bình trà cổ. Những kiểu dáng, chất liệu làm bình trà đã minh chứng cho giá trị lịch sử, và xung quanh nó là các câu chuyện văn hóa độc đáo.

dulichgiaitri.com.vn


Bén duyên với bình trà cổ.

 

Không nhận mình là nghệ nhân trà đạo nhưng chị Sóc Kim Hoa - ngụ quận Bình Tân - được nhiều người mê uống trà biết đến vì sở hữu những bình trà “độc” và quý. Để có được những bình trà này, chị đã sang tận Trung quốc tìm kiếm các vị đại sư trong nghề làm ấm, nhờ thiết kế riêng những bình trà Tử Sa chính hiệu. Mời người viết thưởng lãm chung trà Thiết Quan âm thơm lừng từ một bình trà xanh ngọc bích, chị Hoa cho biết: bình trà này có một không hai vì loại đất làm bình trà này hiện không còn nữa, màu xanh của bình cũng chính là màu nguyên thủy của đất. Khi đem ủ và pha trà trong bình Tử Sa, người thưởng thức sẽ được chìm đắm với mùi hương lan tỏa. Và chỉ cần uống một ngụm nhỏ, hương vị ngọt đắng của trà lan dần từ đầu lưỡi xuống cổ họng khiến miệng cứ muốn uống thêm chén nữa.

Tiếp tục mời chén trà từ một bình Tử Sa cẩn chạm vàng 18 tinh xảo tuyệt đẹp có màu gan gà, chị tiếp tục chỉ dẫn: “Loại bình này tuy được chạm khắc bằng vàng, nhưng tay nghề của người làm ấm trà này chỉ là cấp Đệ nhị đại sư và lượng đất sét Tử Sa bị pha tạp ít nhiều nên trà không thơm bằng bình màu xanh, khi uống có chút vị chát đọng lại nơi đầu lưỡi”.

Không sang tận Trung Quốc như chị Hoa, nghệ nhân Nguyễn Bích Hoàn - Hội UNESCO TP.HCM lại thích sưu tầm những bình trà Việt cổ, với nhiều kiểu dáng hình người, thần Kim Quy, Mụt Măng… làm từ chất liệu gốm sứ cổ Quy Nhơn – Bình Định. Ngoài ra chị Hoàn cũng có 1 bộ sưu tập bình trà bằng bạc khắc đồng, trong lòng bình có ô chứa để than ủ trà cho nóng. Loại bình này thường được những vị tướng xưa kia chinh chiến trên biển, sự dụng trong những đêm canh giữ biên cương. Ngoài ra, chị còn sở hữu một bình trà mang tên “Lạc Thú”, loại bình này chuyên dành cho các gia đình vương gia hoàng tộc, điểm nhấn của bình là không có quai xách. Theo nghi lễ xưa, các vị vương gia lúc đối ẩm đều có một người hầu nâng giữ bình trà để dâng rót châm nước rất cung kính. 

Thú sưu tầm bình trà của chị là do người thầy và cũng chính là thân phụ truyền lại. Chị Hoàn hoài niệm: “Hồi bé, tôi luôn được cha bế khi ngồi pha trà để thưởng thức vào mỗi tối. Có lẽ, hương trà thơm đã đi vào ký ức của tôi từ đó. Lớn hơn chút nữa, tôi thường mang những bình “Đình ẩm” hoặc “Đa ẩm” mỗi khi cha mời bạn bè đến ngắm. Dần dà, theo chân bưng nước pha trà cho cha và các nghệ nhân đàm đạo, tôi thuộc lòng chất liệu cùng điển tích được khắc chạm trên các loại bình trà. Nhờ tìm hiểu thêm sử Việt cùng các nền văn hóa trà đạo Trung Quốc, Nhật Bản; tôi đã bị ghiền về thú sưu tầm này lúc nào không biết”. 

Độc đáo văn hóa trà

Trong số những nghệ nhân chuyên sưu tầm bình trà ở Sài Gòn, có lẽ bộ sưu tập bình trà của nghệ nhân Trịnh Quang Dũng – Quận Tân Bình - luôn là niềm ao ước của các nghệ nhân đã xem Trà là Đạo. Người nghệ nhân này là truyền nhân đời thứ 26 của chúa Trịnh Kiểm. Hiện, ông sở hữu trên 100 bộ ấm chén độc đáo, mang đậm dấu ấn văn hóa lịch sử, được bài trí rất trang trọng suốt 2 tầng lầu. Ngoài những bình trà có xuất xứ tứ Nam Kinh, Liêu Đông (Trung Quốc), Osaka (Nhật Bản), ông Dũng còn sưu tập được các bình trà có nguồn gốc từ Singapore, Đài Loan. Trong số đó, đáng nhắc đến là ấm Cung Xuân có thân xù xì được làm vào khoảng năm 1670. Chiếc ấm này được chủ nhân xem như báu vật để ngắm chứ không dám pha trà vì sợ lỡ tay làm bể. Được biết Cung Xuân cũng chính là tên vị Đại sư Trung Quốc đầu tiên tìm ra được đất sét Tử Sa để làm ấm. Trước đó, người Trung Quốc thường uống trà bằng bát. Đến thời nhà Minh người ta mới bắt đầu dùng ấm để pha trà. Ngoài ra, ông Dũng còn sở hữu bộ ấm “Tri túc thưởng lạc” của đại sư Tử Dung rất nổi danh tại Trung Quốc. Ấm có dáng rất thanh thoát, khi úp 2 chén lại với nhau sẽ tạo thành hình một trái đào, nhìn rất lạ và đẹp.
Sau nhiều năm tìm hiểu văn hóa thưởng trà, nghệ nhân Trịnh Quang Dũng nghiệm ra rằng: “Ấm trà chính là công cụ để quảng bá văn hóa trà đạo. Vì những ấm trà này đã được các vị đại sư dốc tâm chuyển tải những chiêm nghiệm của họ về Tứ Thư, Ngũ Kinh”. Ấm trà không chỉ là một công cụ dùng để pha trà đơn thuần, mà còn chứa đựng tinh thần của một dân tộc. Nhờ các nghệ nhân lấy tinh thần Trà Đạo trong đối nhân xử thế, ấm trà được đưa lên một vị thế mới là “công cụ để chuyển tải và quảng bá văn hóa trà”.

BOX: Bình trà được xếp thành 4 loại: độc ẩm, đối ẩm, đa ẩm, đình ẩm. Theo các nghệ nhân, loại ấm thượng thặng mà ai sở hữu cũng phải kính nể là: “Thứ nhất Thái Đức Gan gà, Thứ nhì Lưu Bội, Thứ ba Mạnh Thần”. Hiện, các bình trà do Đại sư làm thường có giá khoảng 15.000- 17.000USD/bình. Riêng cấp đệ nhị thì giá từ 4000-7000USĐ/ấm. Tuy nhiên, các nghệ nhân này chỉ làm ấm trà không làm tách.
Khi đã sở hữu được bình trà quý cần phải biết tuân theo những quy củ sau: chỉ pha một loại trà cho một bình, không bao giờ sử dụng loại trà khác pha lẫn. Nếu không, bình sẽ bị hư vì vị trà khi ngấm vào bình sẽ tạo ra mùi hương khác. Bình trà quý” kỵ” lau rửa bằng hóa chất như: xà bông, nước tẩy rửa. Tất cả chỉ được nhúng vào nước nóng trước khi pha trà. Khi đã dùng xong chỉ cần chần qua nước sôi và cất đi. Tay dính dầu mỡ tuyệt đối không được chạm vào bình trà. Nước dùng pha trà tốt nhất là nước mưa sạch hoặc nước tinh khiết nấu từ 79-800C… sẽ giúp lá trà xanh tươi trở lại như mới hái. Còn với nước sôi già, trà bị vàng lá, hương vị sẽ giảm nhiều và trà dễ bị hư.


Dương Thủy

0 nhận xét:

Đăng nhận xét