Thứ Hai, 6 tháng 6, 2016

Ở nước ta trong 20 năm trở lại đây, chưa bao giờ vấn nạn thực phẩm bẩn lại cấp bách và báo động như hiện nay. Trong đất liền thì rau bẩn, hoa quả ngâm thuốc bảo quản, thịt lấy từ gia súc nuôi cám tăng trọng, không kiểm soát. Siêu thị cũng tiêu thụ rau bẩn dán nhãn sạch. Ở ngoài biển thì cá chết không rõ nguyên nhân, Sông suối ô nhiễm do các nhà máy xả thải.

Hình: cá chết ở Vũng Áng - Tháng 4/2016 (facebook)
Hoặc giả, chỉ những năm gần đây, người ta mới được cảnh báo về thực phẩm bẩn trên các phương tiện thông tin đại chúng ?? (điều này ít có khả năng sảy ra, vì bằng chứng là 20 năm trước, ở các vùng quê môi trường vẫn trong lành, cá tôm đầy đồng, be bờ tát cá bắt cua, soi ếch, ..., tắm sông, tắm ao. Nay còn đâu???).
Người ta nói, bệnh tật đều từ miệng mà ra. Vì thế mà tỉ lệ mắc ung thư ở VN cao nhất nhì thế giới.

Bài viết này trích nguồn từ 1 facebooker  Tung Thanh Tran, người có điều kiện sống ở Singapo, tham gia khảo sát nhiều dự án trổng rau sạch ở VN và 1 số nơi khác.
TG Hy vọng cung cấp cho độc giả 1 góc nhìn trực quan, trung thực về tình hình rau an toàn ở Việt Nam. Biết được chúng ta đang ở đâu may ra có thể đưa ra giải pháp và hành động giúp ích cộng đồng, bởi người xưa có câu: Có sức khỏe là có tất cả. Muốn sống khỏe thì môi trường phải trong lành, thực phẩm phải an toàn.
Gần đây nhiều địa phương, cửa hàng cũng tự dán biển hiệu bán rau hữu cơ.
Xem tại đây: http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20160618/rau-huu-co-hut-hang/1120465.html
Vậy rau ở đây dùng tiêu chuẩn nào để được dán mác Hữu cơ? Ai dán mác? ai kiểm tra?
Bà Trần Huỳnh Hải Yến, cán bộ Phòng kinh tế TP Hội An, cho biết rau hữu cơ bán ra thị trường đều được Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị (PGS, tổ chức phi lợi nhuận) kiểm tra và dán nhãn chứng nhận. (trích)
Ở VN hiện thấy có đề cập tới tiêu chuẩn canh tác Rau hữu cơ gọi tắt là PGS
Xem thêm: http://vietnamorganic.vn/chi-tiet-tin/181/ca%CC%81c-tieu-chua%CC%89n-Pgs.html
do Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam cấp?
Sau đó HIệp hội lại có tiêu chuẩn mới nhất nữa: http://vietnamorganic.vn/chi-tiet-tin/232 (do Bộ NN-PT NT ban hành năm 2006 (sao lại bảo mới nhất?).
Hiệp hội có ra quyết định xử phạt hội viên vi phạm, bán rau thường dán mác hữu cơ : http://vietnamorganic.vn/chi-tiet-tin/264
Qua giới thiệu của trang thì có 1 vùng thuộc Trác Văn, Duy Tiên, Hà Nam (không rõ diện tích) được thực hiện đề án xây dựng mô hình sản xuất rau hữu cơ.
Người viết không phải là chuyên gia nông nghiệp, nhưng nếu đem so với tiêu chuẩn số 1 trong Các tiêu chuẩn PGS: " Nguồn nước được sử dụng trong canh tác hữu cơ phải là nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm (theo quy định trong tiêu chuẩn sản xuất rau an toàn của TCVN 5942-1995)", thì nguồn nước ở Duy Tiên - Hà Nam có đạt được hay không? khi mà Hà Nam là 1 trong số các tỉnh miền bắc có nguồn nước ngầm nhiễm Ases cao nhất nước.
Xem tại đây: http://dawapi.gov.vn/index.php/tin-tuc-su-kien/item/18-21dansoasen
Tỷ lệ thạch tín trong nước sông Hồng và các hồ khu vực ngoại thành cũng không đủ tiêu chuẩn để làm nước ăn uống và sinh hoạt.Ngoài ra, các tỉnh thành khác cũng có nguồn nước ngầm nhiễm thạch tín cao là Hà Nam, Hà Tây, An Giang, Đồng Tháp, Hưng Yên...Hàm lượng asen ở một số điểm cao gấp nhiều lần mức cho phép như Quỳnh Lôi (Hà Nội) gấp 30 lần, Lâm Thao (Phú Thọ) gấp 50-60 lần, Lý Nhân (Bình Lục, Hà Nam) gấp 50 lần. (trích)
Nước ngầm nhiễm Asen nguy hiểm thế nào mà: "Nhiều nơi trên Thế giới có nguồn nước bị ô nhiễm bởi Asen nhưng bị các nhà chức trách che giấu trong một thời gian dài, chỉ sau khi có những vụ chết người hàng loạt ở vài vùng, thông tin này mới được đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng." (trích nguồn) .
Càng đi sâu vào vấn đề làm sao có 1 nền nông nghiệp sạch cho Việt Nam vì tương lai giống nòi thì càng đau đầu... Xin mời bạn đọc theo dõi nội dung chính:
---------------------


TIÊU CHUẨN THỰC PHẨM VÀ CANH TÁC NÔNG NGHIỆP


TUNG THANH TRAN ·28 THÁNG 4 2016

Trong bài viết lần trước, tôi đã mô tả các loại hình canh tác nông nghiệp (hóa học, biến đổi gen, hữu cơ). Tương ứng với từng loại hình canh tác, mỗi quốc gia sẽ đưa ra tiêu chuẩn riêng để định hướng sản xuất nông nghiệp. Các bạn nên đọc lại (https://www.facebook.com/notes/tung-thanh-tran/ph%C3%A2n-bi%E1%BB%87t-th%E1%BB%B1c-ph%E1%BA%A9m-an-to%C3%A0n-th%E1%BB%B1c-ph%E1%BA%A9m-s%E1%BA%A1ch/10153126553431001) để hiểu rõ hơn những gì tôi trình bày trong bài viết thứ hai này.
A. Tiêu chuẩn canh tác hóa học:
Tiêu chuẩn phổ biến là Global GAP (viết tắt của từ Global Good Agricultural Practice - Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu). Vậy Global GAP là gì?

Tiêu chuẩn Global GAP với hơn 100 tiêu chí kiểm soát gần như toàn bộ các yếu tố trong canh tác hóa học như làm sạch nguồn đất, nguồn nước; lựa chọn con/cây giống mạnh khỏe ít bệnh tật; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép, chủ yếu là thuốc có nguồn gốc an toàn cho người sử dụng (tuy đây vẫn là các…hóa chất!)

Tiêu chuẩn Global GAP cũng yêu cầu các nhà sản xuất phải thiết lập một hệ thống kiểm tra và giám sát an toàn thực phẩm xuyên suốt bắt đầu từ khâu sửa soạn nông trại canh tác đến khâu thu hoạch, chế biến và tồn trữ.

Người sản xuất phải tạo nhật ký canh tác đầy đủ (ghi chép lại toàn bộ quá trình sản xuất, bắt đầu từ khâu xuống giống đến khi thu hoạch và bảo quản) để phòng ngừa khi xảy ra sự cố như là ngộ độc thực phẩm hay dư lượng hóa chất vượt ngưỡng cho phép và có thể truy nguyên được nguồn gốc.
Nhật cũng có bộ quy chuẩn JGAP được xem tương đương về độ khó trong tiêu chí kiểm định so với Global GAP.

Nhìn qua thì tiêu chuẩn Global GAP khá tốt và chặt chẽ nhưng trong thực tế nó tồn tại rất nhiều vấn đề (được đề cập cuối bài trong phần Lời kết) và bản chất thực sự của nó chỉ là “sử dụng hóa chất trong canh tác” một cách “có kiểm soát”.
B. Các bước đăng ký chứng nhận canh tác hóa học “an toàn”:
Có 5 bước để đăng ký chứng nhận Global GAP:

1. Download bộ tiêu chuẩn và danh mục kiểm tra (checklist) từ cơ sở dữ liệu (database) của Global GAP cho từng nhóm sản phẩm (rau củ quả, cà phê, trà, hoa, mùa vụ kết hợp…). Các bạn tham khảo ở đây: http://www.globalgap.org/uk_en/for-producers/crops/

2. So sánh các đơn vị kiểm định và cấp chứng nhận (certification bodies) được chỉ định của Global GAP, đăng ký 1 đơn vị và lấy số chứng nhận GGN. Danh sách các đơn vị kiểm định và cấp chứng nhận của Global GAP được liệt kê trên website (http://www.globalgap.org)

3. Tiến hành tự kiểm định bằng danh mục kiểm tra và khắc phục các điểm chưa đạt yêu cầu. Global GAP cung cấp danh sách các công ty tư vấn thẩm định giúp nhà sản xuất trong quá trình chuẩn bị cho việc thẩm định.

4. Sắp xếp cuộc hẹn với đơn vị kiểm định và cấp chứng nhận. Một thẩm định viên sẽ tiến hành kiểm định tại nông trại lần đầu tiên.

5. Khi nhà sản xuất đáp ứng những yêu cầu của tiêu chuẩn Global GAP thì sẽ được cấp chứng nhận Global GAP (GLOBALG.A.P. Integrated Farm Assurance Standard certificate) cho phạm vi sản xuất và phiên bản của bộ tiêu chuẩn tương ứng, có thời hạn một năm. Khi đó, nhà sản xuất mới được sử dụng logo của Global GAP trên sản phẩm và phải ghi rõ số GGN.

Ở Việt Nam, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn đã ban hành bộ tiêu chuẩn Viet GAP dựa trên Global GAP nhưng các tiêu chí thì lỏng lẻo hơn nhiều nên sản phẩm đạt chuẩn Viet GAP chỉ có giá trị lưu hành ở Việt Nam.

Xin lưu ý các bạn là Global GAP và Viet GAP không phân biệt canh tác biến đổi gen, nghĩa là canh tác biến đổi gen vẫn được cấp hai chứng nhận này nếu thỏa mãn các tiêu chí của Global GAP và Viet GAP!

C. Tiêu chuẩn canh tác hữu cơ:
Trong canh tác hữu cơ, ba tiêu chuẩn phổ biến và được thế giới thừa nhận rộng rãi là USDA Organic của Hoa Kỳ, EU Organic Farming của châu Âu, và Organic JAS của Nhật. Vậy tiêu chuẩn hữu cơ là gì?

Ba tiêu chuẩn trên giống nhau 95% về bộ tiêu chí kiểm định và mức độ khó của từng tiêu chí. Chính vì sự nghiêm ngặt này mà các quốc gia khác trên thế giới copy 3 chuẩn hữu cơ trên và sửa lại cho dễ dàng và phù hợp hơn với nhu cầu riêng của quốc gia mình như Thái Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc…Vì vậy, khi nói đến thực phẩm hữu cơ, các bạn cần phải tìm hiểu xem nó được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ của quốc gia nào.

Mình xin giới thiệu sơ qua bộ quy chuẩn hữu cơ của Hoa Kỳ (USDA Organic). Theo quy định và định nghĩa của Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), “hữu cơ” (organic) là từ được ghi trên nhãn sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các phương pháp và tiêu chuẩn được chấp thuận. Tiêu chuẩn hữu cơ mô tả những yêu cầu cụ thể phải được kiểm định bởi một đơn vị trung gian được chỉ định bởi Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ trước khi sản phẩm có thể dán nhãn USDA Organic (đạt chuẩn hữu cơ Hoa Kỳ). Danh sách các đơn vị này có thể tham khảo tại đây: https://www.ams.usda.gov/resources/organic-certifying-agents

Bộ tiêu chuẩn hữu cơ cũng quy định rõ chất liệu của các loại nông cụ được cho phép trong sản xuất hữu cơ. Nhìn tổng quát, sản xuất hữu cơ phải thể hiện rằng nó đang bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, và chỉ sử dụng các chất hữu cơ đã được phê duyệt.

Nguyên tắc chung của sản xuất hữu cơ là các đầu vào phải sạch (đất, nước, không khí), con/cây giống phải thuần không được biến đổi gen (GMO), các chất sử dụng trong sản xuất phải hoàn toàn hữu cơ và được cho phép (nghĩa là phân bón và thuốc trừ sâu phải là chế phẩm sinh học hữu cơ), cuối cùng là sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn về dinh dưỡng. Các loại hóa chất đều bị cấm trong canh tác hữu cơ!

Câu hỏi đặt ra là như thế nào được gọi là “sạch” để bắt đầu sản xuất hữu cơ? Theo tiêu chí của USDA Organic, hàm lượng của các độc tố và kim loại nặng trong đất, nước phải ở mức cực nhỏ (từ vài đơn vị đến dưới 100 ppm tùy loại theo danh mục quy định). Với tỉ lệ nhỏ như vậy, hàm lượng các chất độc này gần như không đáng kể trong canh tác hữu cơ.

Theo tôi biết thì đất sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam đã bị nhiễm độc cực nặng do nông dân dùng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu bừa bãi. Nguồn nước và không khí ở nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam cũng bị ô nhiễm hết sức trầm trọng, không đủ tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ nếu không được lọc lại. Do vậy, nếu muốn sản xuất hữu cơ phải bỏ tiền cải tạo đất hết sức tốn kém, quá trình này mất từ 3-5 năm. Còn một giải pháp khác là lấy đất rừng và hoán đổi sang đất nông nghiệp, cách này ít tốn chi phí cải tạo đất nhưng sẽ tốn chi phí làm hạ tầng nông nghiệp hơn cách kia.

D. Các bước đăng ký chứng nhận canh tác hữu cơ:

Để được chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ (USDA Organic), nhà sản xuất phải thực hiện các bước sau:

1. Download bộ tiêu chuẩn và danh mục kiểm tra (checklist) từ cơ sở dữ liệu (database) của Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ cho từng nhóm sản phẩm (rau củ quả, hoa, gia súc gia cầm..). Các bạn tham khảo ở đây: https://www.ams.usda.gov/rules-regulations/organic

2. Chọn một đơn vị trung gian được chỉ định bởi Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ để được tư vấn và đăng ký kiểm định nông trại và nông sản để được cấp chứng nhận hữu cơ (thời hạn một năm, hết hạn phải xin kiểm định lại). Danh sách các đơn vị trung gian này có thể tham khảo tại đây: https://www.ams.usda.gov/resources/organic-certifying-agents. Ở Việt Nam hiện có tổ chức Control Union (trụ sở tại Hà Lan) được Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ chỉ định là đơn vị trung gian kiểm định và cấp chứng nhận USDA Organic.

3. Tiến hành lấy mẫu đất, nước ngẫu nhiên trong nông trại (số lượng mẫu phải theo quy định và bao quát toàn nông trại) dưới sự giám sát của đơn vị trung gian và gửi sang các phòng lab có kĩ thuật và máy móc đủ khả năng phân tích thành phần chi tiết (Hoa Kỳ, Châu Âu, hoặc Nhật) để kết luận về nồng độ các chất độc hại (bao gồm cả kim loại nặng) và tỉ lệ chất dinh dưỡng trong đất có đạt yêu cầu để canh tác hữu cơ hay không.

Theo hiểu biết của tôi, hiện các phòng lab của Việt Nam không đủ trình độ và cũng không có máy móc phân tích được thành phần chi tiết của đất và nông sản. Nếu ai đó nói với các bạn rằng một cơ sở của Việt Nam (vd như viện Pasteur) có thể làm được chuyện này hoặc họ có chứng nhận đất, nước sạch theo chuẩn hữu cơ của viện Pasteur cấp thì đó hoàn toàn là sự lừa lọc. Chỉ có những nơi tầm cỡ như phòng lab của MIT (viện công nghệ Massachuset Hoa Kỳ) mới đủ khả năng làm các xét nghiệm phân tích loại này.

4. Sau khi thu hoạch, nhà sản xuất cũng phải lấy mẫu nông sản gửi sang để kiểm định thành phần độc tố và thành phần dinh dưỡng xem có đạt tiêu chuẩn hay không.

5. Khắc phục các điểm chưa đạt yêu cầu theo tư vấn của đơn vị trung gian và báo cáo sau khi hoàn thành để đơn vị này nghiệm thu (lấy mẫu xét nghiệm lại các yếu tố chưa đạt).

6. Khi nhà sản xuất đáp ứng toàn bộ những yêu cầu của bộ quy chuẩn USDA Organic thì sẽ được đơn vị trung gian cấp chứng nhận USDA Organic cho nông sản đã đăng ký, có thời hạn một năm. Khi đó, nhà sản xuất mới được sử dụng logo USDA Organic trên nhãn sản phẩm và phải ghi rõ số chứng nhận do đơn vị trung gian cấp (ngoài ra còn phải ghi rõ thời gian hiệu lực của chứng nhận này).

Theo kinh nghiệm từng tư vấn cho nông trại hữu cơ lớn nhất châu Á thì tôi xin khẳng định là chi phí kiểm định và cấp chứng nhận hữu cơ USDA Organic khá tốn kém và phải mất nhiều công sức, thời gian mới đáp ứng được tất cả yêu cầu của bộ quy chuẩn hữu cơ này từ khâu chuẩn bị, canh tác, và thu hoạch.

E. Loạn thực phẩm an toàn, thực phẩm hữu cơ ở Việt Nam:

Thị trường Việt Nam đang chứng kiến sự khủng hoảng lòng tin về thực phẩm vì nhà sản xuất và nhà bán lẻ dùng đủ mọi thủ đoạn để lừa dối người tiêu dùng, phổ biến gồm có:

1. Dán nhãn hữu cơ mặc dù không theo bất kỳ tiêu chuẩn canh tác nông nghiệp nào và lý giải với khách hàng là hàng tự trồng nên “sạch”. Trường hợp này chỉ có thể gọi là sản xuất theo phương pháp hữu cơ nhưng không theo chuẩn hữu cơ nào và không được chứng nhận hữu cơ. Những cửa hàng đàng hoàng sẽ dán nhãn “Selected” cho sản phẩm dạng này. Như đã trình bày về chuẩn canh tác hữu cơ ở trên, các bạn có thể thấy là rau củ quả do “nhà trồng” cũng chưa chắc đã đạt chuẩn hữu cơ mà chỉ có thể coi là an toàn hơn các loại rau củ quả ngoài chợ hay siêu thị.
2. Dán nhãn hữu cơ mặc dù thực tế sản phẩm chỉ đạt tiêu chuẩn Viet GAP hay Global GAP (được liệt vào các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp an toàn). Đây cũng là 1 chiêu trò lừa bịp rất phổ biến hiện nay.
3. Dán nhãn hữu cơ và giải thích cho khách hàng là sản phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ của Việt Nam. Đây là điều bịa đặt vì Việt Nam tuy là nước nông nghiệp nhưng đến nay vẫn chưa hề có chuẩn canh tác hữu cơ mà chỉ có chuẩn canh tác nông nghiệp an toàn (Viet GAP) dựa theo chuẩn canh tác hóa học an toàn của thế giới (Global GAP). Trong khi đó, các nước công nghiệp như Hoa Kỳ, Nhật thì đã có chuẩn canh tác hữu cơ từ lâu và được xem là mẫu mực trên thế giới.
4. Xin cấp chứng nhận hữu cơ 1 diện tích canh tác nhỏ rùi trộn lẫn sản phẩm bên ngoài không đạt chuẩn. Các nhà sản xuất này sẽ bị rút giấy chứng nhận khi đơn vị trung gian được chỉ định bởi USDA phát hiện từ các nguồn tin của họ trên thị trường.

5. Mua tem giả có hình logo của USDA Organic hoặc EU Organic Farming về dán lên sản phẩm để tăng giá bán gấp 3-5 lần. Chiêu này có thể nhận biết bằng các dấu hiệu trực quan: rau rất xanh và bắt mắt, sản phẩm ko ghi là chứng nhận USDA Organic bởi đơn vị trung gian nào, không có số chứng nhận và thời hạn chứng nhận USDA Organic (nếu có tên đơn vị trung gian thì các bạn có thể dễ dàng kiểm tra trên website của tổ chức đó).

6. Lén lút duy trì dán nhãn hữu cơ USDA Organic lên sản phẩm dù thực tế đã bị đơn vị trung gian rút chứng nhận hoặc chứng nhận đã hết hạn (hàng năm phải xin kiểm định và cấp lại)
Với các chiêu thức lừa gạt trên, những cửa hàng bán “thực phẩm sạch” có thể tăng giá từ 3-5 lần so với thực phẩm chợ/siêu thị để kiếm lời.

Vậy làm sao nhận biết một cửa hàng kinh doanh đàng hoàng? Câu trả lời của tôi gồm 2 yếu tố:

(1) Cửa hàng kinh doanh nghiêm túc sẽ chia thực phẩm thành nhiều loại và dán nhãn rất minh bạch cho khách hàng lựa chọn: hữu cơ (USDA Organic/EU Organic Farming), Global GAP, Viet GAP, và Selected;

(2) nhận biết bằng mắt: rau củ quả sản xuất theo canh tác hữu cơ luôn xấu xí và có màu tự nhiên hơn rau củ quả sản xuất theo canh tác hóa học (xanh mướt, bắt mắt, căng tròn).

F. Tình hình sản xuất hữu cơ ở Việt Nam ra sao?

Đọc đến đây, chắc chắn nhiều bạn sẽ hỏi tôi là ở Việt Nam có những công ty nào canh tác theo chuẩn hữu cơ? Câu trả lời của tôi xuất phát từ sự hiểu biết và quá trình tự tìm hiểu, hoàn toàn không nhằm mục đích PR hay quảng cáo. Theo tôi, ở vn hiện nay chỉ có 2 công ty canh tác theo đúng chuẩn hữu cơ:

1. Thương hiệu Hoasuafoods:

Nông trại rộng 320 ha ở Cà Mau, xây dựng từ đất rừng ngập mặn U Minh Hạ, các sản phẩm chính như gạo, cá, chuối, đu đủ, trà thanh lọc đều được chứng nhận hữu cơ USDA Organic. Sản lượng gạo khoảng 1000 tấn/năm (mỗi năm làm 2 vụ). Sản phẩm chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Đông, Châu Âu, Nhật. Chủ nông trại là một kĩ sư nông nghiệp giỏi và có tâm huyết với cộng đồng (anh Võ Minh Khải). Các thông tin khác các bạn tìm hiểu thêm ở đây: http://www.hoasuafoods.com/

2. Thương hiệu Organik:

Nông trại rộng 4 ha được chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn EU Organic Farming của châu Âu (chủ yếu sản xuất các loại rau ăn liền như xà lách để xuất khẩu), nằm cách Đà Lạt 16 km. Sản lượng rau củ quả trồng tại nông trại khoảng 1.5 tấn/tuần. Ngoài ra công ty còn tuyển chọn rau củ quả từ các vùng lân cận theo tiêu chuẩn Global GAP/Viet GAP (dán nhãn rõ ràng) hay “Selected” (đảm bảo bởi uy tín và thương hiệu của công ty) phục vụ thị trường nội địa. Chủ nông trại là một nhà khoa học giỏi và cũng rất tâm huyết trong sản xuất rau củ quả sạch (anh Nguyễn Bá Hùng). Các thông tin khác các bạn tìm hiểu thêm ở đây: http://organik.vn

3. Ngoài 2 thương hiệu trên thì còn một công ty nữa (chuyên sản xuất rau củ quả) cũng vừa được chứng nhận USDA Organic, có 2 nông trại nhỏ ở Lâm Đồng và Đồng Nai (mỗi cái khoảng 1.8 ha), phân phối qua 2 cửa hàng riêng ở Sài Gòn. Tuy nhiên tôi không có nhiều thông tin về quy trình canh tác và chất lượng của thương hiệu này nên không dám đề cập ở đây. Bạn nào cần thì để lại comment/tin nhắn, tôi sẽ đưa link, sản phẩm thì tùy các bạn kiểm chứng nhé (xem gợi ý của tôi ở mục E).
G. Lời kết:
Hiện nay ở Việt Nam, canh tác hóa học theo chuẩn Global GAP và Viet GAP được áp dụng rất nhiều nhưng chất lượng không ai đảm bảo được. Lý do: tiêu chuẩn để trở thành hội viên của Global GAP hay Viet GAP rất dễ dàng, nhà sản xuất chỉ cần đăng ký, đóng phí, sau đó tạo nhật ký canh tác dỏm là được cấp chứng nhận. Kiểm định viên đa số chỉ xuống thăm nông trại và quan sát bằng mắt kết hợp với kinh nghiệm chứ không bắt buộc lấy mẫu xét nghiệm ngặt nghèo như canh tác hữu cơ. Do vậy, sản phẩm dù có thực sự đạt hai chuẩn này cũng chỉ có thể xem là thực phẩm “tương đối” an toàn chứ không thể xem là “sạch” được.

Canh tác hữu cơ theo chuẩn USDA Organic hay EU Organic Farming tuy nghiêm ngặt trong khâu kiểm định, xét nghiệm, và cấp chứng nhận so với canh tác hóa học (Global GAP) nhưng thực ra vẫn có nhiều kẽ hở (xem mục E về những chiêu thức lừa đảo khách hàng).

Vì vậy, tôi cho rằng cái tâm và uy tín của nhà sản xuất vẫn là yếu tố tiên quyết và quan trọng bậc nhất. Các bạn phải tự tìm hiểu yếu tố này trước khi lựa chọn mua thực phẩm của nhà sản xuất nào. Tôi nghĩ việc này không khó trong thế giới phẳng ngày nay với Internet và vô số nguồn kiến thức từ anh Google và Wikipedia.

Chúc các bạn sức khỏe và sự sáng suốt khi lựa chọn!

Sài Gòn, 28/04/2016
Tung Tran


0 nhận xét:

Đăng nhận xét